Lựa chọn Windows 8 thay vì Ubuntu 14.04 là một sai lầm lớn?

T.V.T Marine Automation Company Limited, David Tran

Nhân dịp Ubuntu 14.04 sẽ được ra mắt vào ngày 17 tháng 4 năm nay (2014), tôi viết một bài đưa ra một số các lý do tại sao việc lựa chọn Windows 8.1 thay vì Ubuntu 14.04 lại là một sai lầm lớn...

Về khía cạnh tiện lợi khi vận hành & sử dụng

b2ap3_thumbnail_windows-8-refugees-ubuntu.jpg

Chắc bạn đã từng trải qua cơn ác mộng mỗi khi cập nhật (Update) Windows: bạn phải bỏ ra cả ngày trời để làm việc này với một cơ số lần khởi động lại trong suốt quá trình cập nhật. Trong khi đó, với Ubuntu thì việc khởi động lại là không cần thiết. Đồng thời, các bản cập nhật của Ubuntu lại vô cùng nhẹ. Nếu nửa năm bạn chưa cập nhật thì tổng dung lượng cập nhật tải về đối với Ubuntu cũng chỉ 100MB đến 300MB; nhưng với Windows thì con số này chắc không ít hơn 1.5 GB

Với Ubuntu, bạn có thể bật máy cả năm mà không cần tắt, nhưng với Windows thì chỉ 2 tuần không khởi động lại, bạn sẽ thấy một con rùa ì ạch phục vụ bạn!

Bạn muốn sử dụng nhiều phần mềm ư? Với Windows, đa số các phần mềm là mã nguồn đóng và bạn phải trả một số tiền tương đối lớn (trừ phi bạn sử dụng phần mềm lậu bị bẻ khóa). Trong khi đó, đa số (99%) các phần mềm chạy trên Linux nói chung và Ubuntu nói riêng là hoàn toàn miễn phí. Bạn không cần phải bỏ tiền mà vẫn được dùng phần mềm chất lượng cao, bảo mật tốt (vì chúng cũng đa phần là mã nguồn mở).

Bạn muốn cài phần mềm vào máy tính của mình ư? Việc này với Windows quả là cơn ác mộng. Bạn sẽ phải đi tìm phần mềm đâu đó trên Internet rồi tải (download) nó về, hoặc bạn sẽ phải vào một cửa hàng nào đó, mua phần mềm, rồi mang đĩa về cài đặt. Mà việc cài đặt này cũng hiếm khi suôn sẻ lắm. Với Ubuntu thì việc cài thêm phần mềm là một việc hoàn toàn đơn giản. Bạn chỉ cần có một kết nối Internet, bạn vào Ubuntu Software Center trong máy tính của bạn, rồi tìm phần mềm cần cài đặt. Nhấn nút Install, xong!

Tốc độ bật máy? Theo thử nghiệm của cá nhân tôi trên Laptop Toshiba Z830 thì Windows 8.1 khởi động mất 18 giây, Ubuntu 14.04 (bản Alpha, vì chưa có bản chính thức để thử) mất 14 giây.

Tốc độ tắt máy? Về khoản tắt máy thì cả hai "em" này có tốc độ tắt "ngang cơ", đều ở mức 6 giây. Tuy nhiên, nếu "em" Windows 8 hoạt động quá 2 ngày mà chưa tắt máy thì thời gian tắt máy kéo dài ra 11 giây, trong khi đó em "Ubuntu" vẫn ở mức 6 giây

Tiêu thụ điện năng: tôi chưa có điều kiện để thử nghiệm hạng mục này, nhưng nghe đồn (đồn thôi ^_^) thì cũng không chênh nhau!

Về khía cạnh An ninh & Bảo mật

Nói về khía cạnh này thì chắc không cần phải bàn bạn cũng đã biết Windows "lởm" thế nào rồi. Nhưng tôi cũng trình bày một số các điểm để bạn có thể tham khảo:

Virus và các mã độc (malware) khác

Windows thực sự là một thiên đường cho virus và malware. Có 2 lý do chính khiến Windows được "tôn vinh" như vậy:

  1. Bản thân phần core của Windows từ ngày đầu phát triển chỉ chú trọng đến sự bóng bẩy, tính năng mà quên mất yếu tốt an ninh. Sau này Microsoft có bổ sung nhiều lớp an ninh nhưng cũng vẫn không giải quyết được triệt để. Nó giống như một căn nhà cấp 4, trải qua thời gian, dù có gia cố thêm kiểu gì thì cũng không thể làm nó chắc chắn bằng một pháo đài có cùng tuổi đời.
  2. Windows được sản xuất để hướng đến người dùng phổ thông đại trà, trong khi Ubuntu được phát triển trên nền tảng Linux (trước đây chỉ được sử dụng cho các máy chủ và các siêu máy tính). Do đó, số người dùng Windows đương nhiên sẽ rất lớn, và do đó, nó trở thành một cái đích đáng để ngắm đến đối với các hacker và những kẻ tội phạm chuyên viết virus và mã độc

Đối với Linux nói chung và Ubuntu nói riêng, tính đến thời điểm hiện tại cũng chỉ có thể chỉ ra được một vài malware (so với con số nhiều hàng chục triệu loại virus và malware trên Windows).

Microsoft đóng mã nguồn để họ có thể theo dõi bạn mà bạn không biết

Nếu bạn có theo dõi thời sự, chắc bạn đã biết về vụ lùm xùm mang tên Edward Snowden với Cơ quan An ninh Mỹ (NSA). Hàng chục triêu máy tính Windows trên thế giới đều bị cài phần mềm gián điệp của NSA thông qua các cửa hậu (backdoor) trong hệ thống Windows và các phần mềm khác của Microsoft mà Microsoft đã để ngỏ cho riêng NSA cũng như các backdoor phục vụ cho riêng mục đích của Microsoft. Bạn chắc sẽ không bao giờ biết điều này nếu không có vụ lùm xùm nói trên vì việc đóng mã nguồn khiến cho không ai có thể kiểm soát bên trong và đằng sau Windows là cái gì.

Với mã nguồn mở công bố rộng rãi trên Internet thì khác, mỗi ngày có hàng triệu con mắt soi vào. Vậy thì ai dám "cài thuốc độc" vào đó??? Ubuntu là một hệ điều hành phổ biến với 100% mã nguồn mở được công bố rộng rãi.

Bảo vệ dữ liệu

Windows là một hệ thống không an toàn về bí mật dữ liệu lưu trữ trong máy tính. Chỉ với một lớp bảo vệ bằng mật khẩu, việc vượt qua lớp này không thực sự khó. Và nếu bạn không vượt qua được bước này thì bạn chỉ cần đưa đĩa Ubuntu vào, khởi động máy bằng đĩa này là bạn có thể đọc được toàn bộ dữ liệu lưu trong máy tính chạy hệ thống Windows. Dĩ nhiên, nếu bạn dùng một giải pháp mã hóa ổ cứng thì sẽ tương đối an toàn, nhưng hệ thống mã hóa này sẽ tốn của bạn tương đối tiền bạc và làm suy giảm hiệu năng của Windows.

Ubuntu 14.04 cũng cấp cho người sử dụng khả nnawg mã hóa toàn bộ ổ cứng ngay từ khi khởi động máy tính. Điều này làm cho việc đọc dữ liệu trong ổ cứng của bạn trở thành một nhiệm vụ bất khả thi nếu người muốn truy cập không có mật khẩu!

Tự do sáng tạo, tự do hành động

Chính vì Ubuntu mã nguồn mở nên việc mở rộng tính năng, tùy biến nó là hoàn toàn khả thi. Rất nhiều các quốc gia và tổ chức cũng đã phát triển hệ điều hành cho riêng mình dựa trên một bản Linux (rất nhiều trong số đó chọn Ubuntu) để đảm bảo không bị phụ thuộc vào bất cứ ai và làm bất cứ điều gì mình thích. Hạn chế chỉ nằm ở sự sáng tạo của bạn chứ không bị ràng buộc bởi bên cũng cấp phần mềm như Microsoft.

Nói một cách đơn giản hơn, ở Windows, nếu bạn muốn mở rộng tính năng, hay muốn vá lỗi, bạn không thể tự làm. Điều duy nhất bạn có thể làm là chờ Microsoft phát hành phiên bản mới hoặc bản cập nhật mới. Bản mới này cũng chưa chắc đã có chức năng bạn mong muốn, hay chưa chắc đã vá lỗi đang tồn tại. Với Linux nói chung và Ubuntu nói riêng, bạn có thể tự vá lỗi, tự bổ sung tính năng (nếu bạn có khả năng) hoặc bạn có thể thuê các lập trình viên làm việc đó cho bạn ngay khi bạn muốn.

Bạn đang sống trong một thế giới game?

Đừng lo, Windows 8.1 nói riêng và nền tảng Windows nói chung đã không còn là nền tảng duy nhất độc chiếm lãnh địa của các game "khủng". Với sự ra đời của hệ điều hành SteamOS (nền tảng Linux) cũng như phong trào Steam for Linux (chuyển đổi các game chạy trên Windows sang các chạy trên cả Linux) trong hai năm trở lại đây thì chắc chắn tương lai tươi sang của game Linux là điều tất yếu.

FYI, chắc bạn đã biết về Android với hàng triệu game trên đó. Tiết lộ nhé: Android là một hệ điều hành được phát triển từ Linux. Với sự góp mặt của Android, Linux đã trở thành nền tảng hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới hiện nay.